Tổng hợp những thông tin cần thiết về thư tín dụng điều khoản đỏ
Mục lục [Ẩn]
Thư tín dụng điều khoản đỏ là gì?
Thư tín dụng là gì?
Thư tín dụng ký hiệu L/C là hình thức phổ biến hiện nay. Đây là hình thức mà ngân hàng thay mặt người nhập khẩu cam kết với người xuất khẩu/người cung cấp hàng hoá sẽ trả tiền trong thời gian quy định khi người xuất khẩu/người cung cấp hàng hoá xuất trình những chứng từ phù hợp với quy định trong L/C đã được ngân hàng mở theo yêu cầu của người nhập khẩu.
Thư tín dụng L/C bao gồm thư tín dụng tiêu chuẩn và các L/C đặc biệt khác. Thư tín dụng điều khoản đỏ (Red Clause L/C) là một trong những loại thư tín dụng đặc biệt.
Tìm hiểu ngay: Có mấy loại thư tín dụng?
Thư tín dụng điều khoản đỏ là thư tín dụng mà ngân hàng phát hành (NHPH) cho phép ngân hàng thông báo (NHTB) ứng trước cho người thụ hưởng để mua hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa theo L/C mở.
Tiền ứng trước được lấy từ tài khoản của người mở, nghĩa là tín dụng thương mại, mà không phải là tín dụng của NHTB hay NHPH.
NHTB chỉ thực hiện theo điều khoản của L/C mà không cam kết hoặc chịu trách nhiệm về số tiền đó. Việc ứng tiền được NHPH ủy quyền cho NHTB thực hiện. Sau đó (hoặc trước đó) NHPH sẽ (hoặc đã) trích tài khoản của người mở chuyển (hoặc trả) cho NHTB.
Thực chất, gọi là L/C điều khoản đỏ vì trước đây được in bằng mực đỏ để tăng sự chú ý. Từ “Red Clause” ngày nay được dùng nhiều thuật ngữ khác nhau như: “Advance Clause” (điều khoản ứng trước) hoặc “Special Clause” (điều khoản đặc biệt).
Theo đó, người mở L/C cam kết tài trợ cho nhà xuất khẩu ngay khi L/C được mở. Với “Điều khoản đỏ”, NHPH cam kết ứng một số tiền nhất định của L/C khi nhận được các chứng từ, thông thường là:
- Hối phiếu của số tiền ứng trước.
- Hóa đơn.
- Giấy nhận nợ hoặc cam kết giao hàng.
Quy trình giao dịch L/C
Nguồn gốc của thư tín dụng điều khoản đỏ
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc LC điều khoản đỏ. Có tác giả cho rằng L/C điều khoản đỏ có nguồn gốc từ tập quán mua bán lông thú ở Trung Quốc, có tác giả lại cho rằng L/C điều khoản đỏ có xuất xứ từ tập quán mua bán len ở Australia và New Zealand, lại có tác giả cho rằng nó có xuất xứ từ các giao dịch mua bán thịt, cao su, bông…
Henry Harfield, tác giả cho rằng L/C điều khoản đỏ có nguồn gốc từ tập quán mua bán lông thú ở Trung Quốc, đã giải thích như sau: “Điều khoản đỏ là phương thức có xuất xứ từ tập quán mua bán ở Trung Quốc, nơi người bán thường là đại lý của người mua".
Ví dụ: Trong giao dịch mua bán lông thú, thương nhân Trung Quốc giao dịch với người mua ở Mỹ thường là các đại diện của người mua. Những thương nhân này lặn lội đến vùng sâu vùng xa để thu mua lông thú, chỗ này một ít chỗ kia một ít, rồi gom hàng lại
Họ cũng mua lông thú của những người cần ứng trước tiền mặt rồi mới giao lông thú sau. Từ đó các ngân hàng bắt đầu có tập quán thể hiện trên L/C một điều khoản bằng mực đỏ ủy quyền cho ngân hàng thương lượng hoặc xác nhận thực hiện ứng trước tiền hàng cho người hưởng lợi khi người hưởng lợi xuất trình hối phiếu kèm theo lời hứa đơn giản là sẽ xuất trình chứng từ giao hàng trong tương lai.
Những thương nhân ở Australia và New Zealand khi thu mua len để xuất khẩu cũng thường phải ứng trước tiền mặt cho những nông dân chăn cừu và phải trả chi phí cao để vận chuyển len từ trong đất liền ra cảng xếp hàng. Tương tự như giao dịch LC nhập khẩu lông thú từ Trung Quốc, L/C nhập khẩu len từ Australia và New Zealand.
Có tác giả cho rằng L/C điều khoản đỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc
Phạm vi áp dụng
Khoản tiền ứng trước thường được thực hiện bằng đồng nội tệ để tránh bất kỳ sự biến động nào về tỷ giá giữa thời gian tạm ứng và thời gian thực hiện thanh toán hoặc chiết khấu. Nếu khoản tạm ứng được thực hiện bằng đồng tiền nào khác đồng nội tệ thì cần có quy định rõ ràng về đồng tiền được sử dụng.
Nếu điều khoản tín dụng đỏ được ghi sẵn để đàm phán chứ không nhằm mục đích thanh toán thì nó không bị hạn chế bởi trách nhiệm của các ngân hàng trung gian cho việc cung cấp khoản tín dụng đó, miễn là số tiền cuối cùng được tạo ra cho ngân hàng đó.
Ưu điểm của thư tín dụng điều khoản đỏ
Đối với bên bán
Đối với bên bán, nhận được một số tiền trước khi giao hàng (tùy hai bên thỏa thuận) để sử dụng vào việc chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu, giảm được khó khăn về tài chính và có thị trường xuất khẩu ổn định.
Đối với bên mua
Về bên mua, theo Red Clause, họ phải mở L/C tương đối sớm trước khi giao hàng, phải chịu chi phí và rủi ro về việc ứng trước, nhưng đáp lại họ được bù đắp bằng giá hàng thấp hơn và ổn định được nguồn hàng nhập khẩu ngay cả khi giá cả đột biến.
Khi mở Red Clause L/C, các ngân hàng thường áp dụng số tiền ứng trước bằng một trong hai cách sau đây:
- Ngân hàng mở L/C tự mình cấp tiền ứng trước khi nhận được lệnh đòi tiền ứng trước từ người bán, trong đó ngân hàng xác nhận rằng hối phiếu đòi tiền ứng trước và các điều kiện liên quan của L/C đã phù hợp.
- NHPH ủy quyền ngân hàng bên bán cấp tiền ứng trước theo điều khoản đỏ đã quy định. Sau đó số tiền ứng trước và tiền lãi suất sẽ được hoàn trả bởi NHPH hoặc được khấu trừ vào hóa đơn tiền hàng của bên bán.
Việc NHTB ứng tiền theo L/C điều khoản đỏ, thì đây chính là khoản cho vay ứng trước tiền hàng xuất khẩu mà các ngân hàng thương mại vẫn làm, tuy nhiên, ứng trước theo L/C điều khoản đỏ có sự đảm bảo hoàn trả từ NHPH nếu người bán vi phạm hợp đồng.
Xem thêm: Thư tín dụng có thể hủy ngang, nên sử dụng hay không?
NHTB ứng tiền theo L/C điều khoản đỏ
Phân loại L/C điều khoản đỏ
Điều khoản đỏ trơn hay không có đảm bảo
Theo điều khoản đỏ trơn hay không có đảm bảo (unsecured or clean red clause), ngân hàng được chỉ định (NHĐCĐ) được NHPH ủy quyền ứng trước cho người người hưởng lợi một phần giá trị L/C khi nhận được cam kết rằng số tiền ứng trước sẽ được sử dụng để trả tiền mua hàng hóa.
Nội dung điều khoản đỏ trơn hay không có đảm bảo có thể được thể hiện trong ví dụ sau đây:
“Ngân hàng thương lượng được ủy quyền thực hiện ứng trước cho người hưởng lợi lên đến 70% giá trị L/C khi nhận được văn bản của người hưởng lợi nêu rõ rằng số tiền ứng trước sẽ được sử dụng để thanh toán tiền lông cừu trước khi giao hàng. Chúng tôi chấp nhận hoàn trả cho quý ngân hàng số tiền ứng trước trong giới hạn của L/C.”
Điều khoản đỏ kèm chứng từ hay có đảm bảo
Theo điều khoản đỏ kèm chứng từ hay có đảm bảo (secured or documentary red clause), NHĐCĐ được NHPH ủy quyền ứng trước một phần giá trị L/C khi người thụ hưởng xuất trình biên lai gửi kho (warehouse receipt) hoặc các chứng từ tương tự cùng với cam kết sẽ xuất trình chứng từ giao hàng theo yêu cầu của L/C khi thực hiện giao hàng.
Trường hợp người thụ hưởng sau đó vi phạm cam kết, bao gồm việc không xuất trình chứng từ phù hợp với điều kiện và điều khoản L/C, NHĐCĐ có quyền yêu cầu NHPH hoàn trả tiền ứng trước cùng với tiền lãi và các chi phí khác.
Nội dung điều khoản đỏ kèm chứng từ hay có đảm bảo có thể được thể hiện trong ví dụ sau đây:
“Ngân hàng thương lượng được ủy quyền thực hiện ứng trước cho người hưởng lợi lên đến 70% giá trị LC khi nhận được Biên lai Gửi kho hoặc các chứng từ khác chứng minh quyền sở hữu hàng hóa và cam kết sẽ xuất trình các chứng từ bao gồm vận đơn đúng thời hạn quy định.
Ngân hàng có thể ủy thác Biên lai Gửi kho hoặc các chứng từ khác cho người hưởng lợi đổi lấy xác nhận rằng các chứng từ được người hưởng lợi nắm giữ với tư cách là người được ủy thác và là đại diện của quý ngân hàng để nhận vận đơn thay cho ngân hàng.
Hàng hóa gửi trong kho chờ giao lên tàu phải được bảo hiểm bởi… Chúng tôi cam kết hoàn trả lại số tiền ứng trước mà quý ngân hàng đã thực hiện trong giới hạn LC.”
Điều khoản đỏ “biên nhận và cam kết”
Loại điều khoản đỏ “biên nhận và cam kết” hay “hóa đơn và cam kết” (Receipt/invoicing and Undertaking Red Clause) không phổ biến nhưng có khả năng sẽ được các ngân hàng Việt Nam áp dụng, nhất là khi NHĐCĐ chưa tự tin với L/C điều khoản đỏ.
Khác với hai loại điều khoản trên, điều khoản này cho phép NHĐCĐ ứng trước tiền hàng khi nhận được biên nhận và hóa đơn của người thụ hưởng cùng với cam kết sẽ hoàn trả số tiền ứng trước trong trường hợp không xuất trình chứng từ phù hợp theo L/C.
Ứng trước theo điều khoản “biên nhận và cam kết” thường không được thực hiện từ nguồn vốn của NHĐCĐ nhưng được thực hiện khi NHPH trả tiền và người thụ hưởng chịu trách nhiệm trước NHPH khi vi phạm.
Người hưởng lợi sẽ phải thanh toán tiền hàng, chế biến và các phụ phí khác trước giao hàng. Do vậy, có thể thực hiện chiết khấu cho người thụ hưởng khi nhận được các hóa đơn chứng minh chi phí mua hàng vào hoặc các phụ phí chế biến.
Đồng thời, cam kết của người hưởng lợi sẽ hoàn trả lại số tiền ứng trước trong trường hợp không thể xuất trình chứng từ phù hợp với quy định của của L/C.
Quy trình giao dịch L/C điều khoản đỏ
- NHPH phát hành L/C điều khoản đỏ ủy quyền cho NHTB ứng trước tiền hàng cho người hưởng lợi khi nhận được biên nhận và cam kết của người hưởng lợi sẽ xuất trình chứng từ giao hàng theo quy định trong thời hạn hiệu lực của L/C.
- NHTB thông báo L/C, lưu ý cho người hưởng lợi về điều khoản đỏ.
- Người hưởng lợi đề nghị NHTB ứng trước tiền hàng bằng xuất trình cam kết sẽ xuất trình chứng từ giao hàng theo quy định trong thời hạn hiệu lực của L/C.
- NHTB nhận cam kết và thực hiện ứng trước một phần tiền hàng theo quy định của L/C cho người hưởng lợi.
- Sau khi giao hàng lên tàu người hưởng lợi xuất trình chứng từ giao hàng cho NHTB.
- NHTB gửi chứng từ giao hàng đến NHPH và đề nghị hoàn trả đầy đủ giá trị bộ chứng từ xuất trình.
- NHPH giao chứng từ cho người mở L/C.
- NHPH hoàn trả đầy đủ cho NHTB.
- NHTB thanh toán tiền hàng cho người hưởng lợi sau khi khấu trừ tiền lãi phát sinh và các chi phí khác.
Quy trình nghiệp vụ thanh toán L/C theo điều khoản đỏ
Rủi ro trong giao dịch L/C điều khoản đỏ
Ngoài những rủi ro như trong LC thông thường, những rủi ro chính liên quan đến giao dịch LC điều khoản gồm có:
- Người hưởng lợi sử dụng số tiền được ứng trước không đúng mục đích, dẫn đến không có khả năng hoặc không thể thực hiện giao hàng và xuất trình chứng từ quy định đúng hạn theo quy định LC.
- Người hưởng lợi nhận được tiền ứng trước nhưng sau đó giao hàng cho người mua khác. Khả năng này có thể xảy ra khi giá cả hàng hóa tăng cao đột biến, người hưởng lợi hám lợi có thể “xù” giao hàng để bán lại cho nhà nhập khẩu khác với giá cao hơn.
- Người hưởng lợi biến mất ngay sau khi nhận được tiền ứng trước (lừa đảo).
Để tăng thêm độ an toàn các bên có thể thỏa thuận về việc phát hành một L/C điều khoản đỏ có bảo đảm, còn gọi là tín dụng điều khoản xanh. Nghĩa là bên cạnh các chứng từ như trên người hưởng lợi còn phải xuất trình thêm thư bảo lãnh của một ngân hàng, hoặc giấy nhập kho chứng minh việc hàng tập kết chuẩn bị giao cho mua.
Điều khoản ứng trước này phải được người yêu cầu mở L/C quy định cụ thể và chịu trách nhiệm đối với ngân hàng phát hành L/C về điều khoản đó.
Rất nhiều trường hợp người mở chỉ ứng trước tiền cho người hưởng dưới sự bảo lãnh của ngân hàng người hưởng (Advance Guarantee). Như vậy, người hưởng sẽ thương lượng với ngân hàng mình để phát hành bảo lãnh trước khi nhận được tiền theo điều khoản đỏ.
Hiện nay, Red Clause đã được sử dụng trong thanh toán xuất nhập khẩu khá rộng rãi, nhất là đối với hàng hóa nông sản, lâm, thổ sản có thời vụ như cà phê, lúa, gạo, ngô, hạt điều, lông cừu và một số hàng hóa khác.
Nhằm ổn định thị trường và nắm chắc nguồn hàng, nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu có thể ký Hợp đồng thương mại (HĐTM) từ 2, 3 tháng trước vụ thu hoạch, hoặc có khi sớm hơn. Trong nội dung HĐTM đã quy định rõ số lượng hàng hóa, giá cả, thời gian và điều kiện giao hàng…
Nhà NK ký với ngân hàng phục vụ mình một hợp đồng quy định rõ các điều kiện mà theo đó ngân hàng bên mua sẽ mở một L/C có điều khoản đỏ, phù hợp với HĐTM đã ký kết.
Ngân hàng bên mua thường yêu cầu người mua phải ký quỹ một số tiền nhất định (margin/deposit) hoặc cho bên mua sử dụng một hạn mức tín dụng (credit line) để mở Red Clause L/C tùy thuộc vào quan hệ tin cậy giữa hai bên.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất