Quyền thừa kế đất khi vợ hoặc chồng chết được quy định thế nào?
Mục lục [Ẩn]
Khi vợ hoặc chồng chết thì phần di sản (quyền sử dụng đất) của họ để lại sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo phép luật. Quyền thừa kế đất khi vợ hoặc chồng chết sẽ được chia thành 2 trường hợp sau:
Mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng
Căn cứ Điều 66, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.
Theo quy định trên, quyền thừa kế đất khi vợ hoặc chồng chết nếu mảnh đất đó là tài sản chung của vợ chồng như sau:
- Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết >> Bên còn lại sẽ quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp người chết để lại di chúc mà trong di chúc đó có:
- Chỉ định người khác quản lý di sản, hoặc
- Những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
- Khi có yêu cầu về chia di sản >> Tài sản chung của vợ chồng đươc chia đôi. Phần tài sản của người chết sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Ví dụ: Vợ chồng anh A có một mảnh đất diện tích 400m2, khi anh A qua đời thì mảnh đất sẽ được chia thành 2, vợ anh Anh sẽ được thừa kế 200m2 còn 200m2 thuộc phần di sản anh A để lại sẽ được chia theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
- Nếu việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người còn sống >> Bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định tại Điều 661, Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
- Bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Hết thời hạn 3 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Quyền thừa kế đất khi vợ hoặc chồng chết được quy định thế nào?
Mảnh đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã mất
Nếu mảnh đất là tài sản riêng của vợ/chồng đã mất hoặc là phần di sản sau khi chia đôi tài sản chung của vợ chồng (như đã phân tích ở trên) thì sẽ được chia theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
Chia thừa kế theo di chúc
- Căn cứ Điều 626, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế”.
Theo quy định trên thì người lập di chúc (vợ hoặc chồng) có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Người thừa kế được hưởng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào nội dung ghi trong di chúc.
- Ngoài ra theo Khoản 1, Điều 644, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
Theo quy định trên, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động nếu:
- Không được người lập di chúc cho hưởng di sản, hoặc
- Chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật
>> Vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Quyền thừa kế đất khi vợ hoặc chồng chết được quy định thế nào?
Lưu ý: Di chúc hợp pháp phải có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 630, Bộ luật Dân sự 2015:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.
- Người lập di chúc không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định trên.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ:
- Phải được người làm chứng lập thành văn bản
- Có công chứng hoặc chứng thực.
- Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu:
- Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng
- Người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng
- Di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày lập di chúc miệng.
- Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Quyền thừa kế đất đai khi chồng chết có để lại di chúc
Chia thừa kế theo pháp luật
Căn cứ Điều 650, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Như vậy, trường hợp người vợ hoặc chồng trước khi mất mà không để lại di chúc thì phần di sản (quyền sử dụng đất đai) để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau |
Trong đó, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm:
- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết
- Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm:
- Cụ nội, cụ ngoại của người chết
- Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết
- Cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột
- Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý: Nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế sau mới được hưởng thừa kế.
Chia thừa kế đất khi vợ hoặc chồng chết theo pháp luật
Thời điểm mở thừa kế là khi nào?
Căn cứ Điều 611, Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”.
Như vậy, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Nếu Tòa án tuyên bố 1 người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định như sau:
- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
- Biệt tích trong chiến tranh sau 5 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 2 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.
Như vây, nếu mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng thì khi một người chết thì tài sản đó sẽ được chia đôi. Phần tài sản của người đã mất (hoặc tài sản riêng của người đó) sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất