Đất lâm nghiệp có được chuyển nhượng không?
Mục lục [Ẩn]
Đất lâm nghiệp là gì?
Khái niệm
Căn cứ Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, đất lâm nghiệp là một loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp bao gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, trong đó gồm đất có rừng tự nhiên, đất có rừng trồng và đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng.
Trên bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính, đất lâm nghiệp được ký hiệu là LNP.
Phân loại
Theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, đất lâm nghiệp bao gồm các loại đất sau:
Đất rừng sản xuất
Đất rừng sản xuất được sử dụng để phát triển rừng với mục đích chính là:
- Cung cấp lâm sản, sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp
- Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
- Cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Đất rừng sản xuất được ký hiệu là RSX. Nó bao gồm các loại đất sau:
- Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên (RSN)
- Đất có rừng sản xuất là rừng trồng (RST)
- Đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng sản xuất (RSM).
Phân loại đất lâm nghiệp
Đất rừng phòng hộ
- Đất có rừng phòng hộ là đất được sử dụng để phát triển rừng nhằm mục đích sau:
- Bảo vệ nguồn nước
- Bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, sa mạc hóa,
- Hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu
- Bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh,
- Kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí
- Cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
- Đất rừng phòng hộ được ký hiệu là RPH, bao gồm các loại đất sau:
- Đất có rừng phòng hộ là rừng tự nhiên (RPN)
- Đất có rừng phòng hộ là rừng trồng (RPT)
- Đất đang được sử dụng để phát triển rừng phòng hộ (RPM)
Đất rừng đặc dụng
- Đất có rừng đặc dụng được sử dụng để phát triển rừng nhằm mục đích:
- Bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng
- Nghiên cứu khoa học
- Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh
- Kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng).
- Cung ứng dịch vụ môi trường rừng
- Đất rừng đặc dụng được ký hiệu là RDD, bao gồm các loại đất sau:
- Đất có rừng đặc dụng là rừng tự nhiên.
- Đất có rừng đặc dụng là rừng trồng
- Đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng.
Việc chuyển nhượng đất lâm nghiệp được quy định ra sao?
Đất lâm nghiệp có được chuyển nhượng không?
Theo quy định tại Điều 192, Luật Đất đai đất lâm nghiệp có thể chuyển nhượng được nhưng phải đi kèm với điều kiện như sau:
“Điều 192. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.
2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó”.
Theo quy định trên:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng thì chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.
- Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp phải được chính quyền địa phương thông qua. Mọi hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp trái phép đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Điều kiện chuyển nhượng đất lâm nghiệp
Trường hợp không được nhận chuyển nhượng đất lâm nghiệp
Căn cứ Điều 191, Luật Đất đai quy định các trường hợp không được nhận chuyển nhượng đất lâm nghiệp như sau:
“Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
…
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.
Theo quy định trên:
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nếu không sinh sống trong khu vực đó.
Như vậy, việc chuyển nhượng đất lâm nghiệm phải được thực hiện theo các quy định nêu trên. Nếu chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái phép, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định dưới đây.
Chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt hành chính
Chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái phép bị xử phạt thế nào?
Với người chuyển nhượng
Căn cứ Điều 25, Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức xử phạt với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất có điều kiện của hộ gia đình, cá nhân mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 192 của Luật đất đai như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm trong các trường hợp sau đây:
a) Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó mà chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống ngoài phân khu đó;
b) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ mà chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó;
…
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này”.
Theo quy định trên, nếu chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 192 Luật Đất đai có thể bị xử phạt đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Số lợi bất hợp pháp được tính bằng công thức sau:
Với người nhận chuyển nhượng
Căn cứ Điều 26, Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức xử phạt với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện quy định tại các Điều 191 và Điều 192 của Luật đất đai như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng mà không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
…
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân; trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này mà bên chuyển quyền không còn sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định trên, nếu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp có điều kiện mà không đủ điều kiện quy định tại các Điều 191 và Điều 192 của Luật đất đai có thể bị xử phạt hành chính với số tiền lên đến 2 triệu đồng với cá nhân. Với tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: Phải trả lại phần diện tích đất lâm nghiệp đã nhận chuyển nghiệp trừ trường hợp chuyển quyền sử dụng đất lâm nghiệp mà bên chuyển quyền không còn sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Như vậy, điều kiện chuyển nhượng đất lâm nghiệp được quy định tại Điều 192 Luật Đất đai. Người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng nên tuân thủ các quy định khi chuyển nhượng đất lâm nghiệp để tránh bị xử phạt hành chính.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất