Bệnh viện Nhi trung ương
Địa chỉ: 18/879 La Thành – Đống Đa – Hà Nội
Năm thành lập: 1969
E: chamsockhachhang@nhp.org.vn
H: (84-024) 6 273 8532
W: http://benhviennhitrunguong.org.vn/
.
Giới Thiệu
Giờ Làm Việc
Khoa Khám Bệnh
Bảng Giá Dịch vụ
Địa Chỉ
Hướng Dẫn
FAQ
Đăng Ký
Đánh Giá
Giới thiệu về Bệnh viện Nhi trung ương
Bệnh viện Nhi Trung ương được thành lập năm 1969, là một trong những bệnh viện đứng đầu cả nước về chuyên khoa Nhi, chuyên chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho trẻ em. Trong suốt quá trình xây dựng và đổi mới, bệnh viện đã luôn không ngừng phát triển về cả chất lượng khám, chữa bệnh, nguồn nhân lực và cả về mặt cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất. Với việc đầu tư, ứng dụng máy móc và công nghệ hiện đại, Bệnh viện nhi trung ương Hà Nội ngày càng phát triển, đồng thời hợp tác quốc tế, duy trì quan hệ để cung cấp các dịch vụ đứng đầu cho thế hệ tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, để có thể đạt được các thành tựu nổi trội như hôm nay, không thể không kể đến sự nỗ lực phấn đấu và phát triển của đội ngũ các y – bác sĩ, các nhân viên y tế của bệnh viện đã luôn không ngừng cống hiến hết mình vì sức khoẻ của hàng ngàn trẻ em. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng luôn nỗ lực vừa phát triển chuyên sâu tại chỗ, vừa hỗ trợ các tuyến và phát triển nhi khoa cộng đồng.
Bệnh viện gồm nhiều chuyên khoa như:
- Tim mạch
- Tiêu hóa
- Thần kinh
- Hô hấp
- Dị ứng – miễn dịch – lâm sàng
- Nội tiết – chuyển hóa – di truyền
- Ung bướu…
Cho đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương luôn là địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh đưa con đến khám bệnh.
Giờ làm việc tại Bệnh viện Nhi trung ương
Bệnh viện làm việc trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7 vẫn tiến hành làm việc nhưng không đầy đủ các dịch vụ giống như các ngày trong tuần.
- Buổi sáng: Từ 7h00 – 11h30 đối với mùa hè và từ 7h00 – 12h00 vào mùa đông
- Buổi chiều: Từ 13h30 – 16h30.
Các khoa khám bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương
khoa Khám bệnh đa khoa
Năm 1969, phòng khám ra đời cùng với sự thành lập của Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em, khi đó cơ sở đặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Năm 1980, bệnh viện chuyển về số 18/879 Đường La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội với tên gọi là Bệnh Viện Việt Nam-Thụy Điển. Bệnh Viện Nhi trung ương…và phòng khám đa khoa được hình thành, đến năm 2004 đổi tên thành khoa khám bệnh, khoa hoạt động trong khuôn viên nội viện với hơn 20 nhân viên, lưu lượng khám từ 500-800 lượt bn/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng, khoa khám bệnh không ngừng phát triển về cấu trúc hạ tầng, mở rộng khuôn viên, trang bị thêm nhiều thiết bị, tăng cường nhân lực có những thời điểm khoa gồm 70-80 nhân viên, phục vụ lượng bệnh nhân ngày càng cao.
Tháng 8/2016, khoa khám bệnh tách thành 2 đơn nguyên: đơn nguyên I (khoa khám bệnh cũ) và đơn nguyên II (tầng 1 nhà 15 tầng)
Tháng 6/2017, hai đơn nguyên trở thành khoa khám bệnh I và khoa khám bệnh II.
Tháng 2/2019, khoa khám bệnh I đổi tên thành khoa khám bệnh đa khoa; khoa khám bệnh II đổi thành khoa khám bệnh chuyên khoa. Tổng số bệnh nhân khám ở hai khoa trung bình khoảng 4000 bn/ngày.
Hoạt động chuyên môn
Khoa Khám bệnh là khoa lâm sàng chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Giám đốc bệnh viện, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về tổ chức hoạt động: Tiếp đón, khám chữa bệnh ngoại trú, chọn lọc bệnh nhân vào điều trị nội trú, hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người bệnh và người nhà.
- Tổ chức các hoạt động của khoa theo quy chế công tác của khoa lâm sàng và quy chế bệnh viện.
- Tổ chức tiếp đón bệnh nhân, bố trí bệnh nhân vào các buồng khám, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
- Thường trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng đón tiếp, khám, cấp cứu, theo dõi bệnh nhân tại khoa.
Khoa Khám bệnh chuyên khoa
Ban đầu là “Khoa Khám bệnh đơn nguyên II” – đơn nguyên trực thuộc khoa Khám bệnh (từ 1/8/2016) với nhiệm vụ chính là Khám chữa bệnh, cấp cứu, tiếp đón, phân loại bệnh nhân. Ngày 1/6/2017, Khoa Khám bệnh 2 chính thức được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa ngày càng tăng của nhân dân. Từ ngày 19/2/2019, Khoa Khám bệnh 2 được đổi tên là “Khoa Khám bệnh chuyên khoa”.
Nhân sự khoa
Hiện tại cơ cấu của Khoa bao gồm 01 Trưởng khoa, 01 Phó Trưởng khoa, 01 Điều dưỡng trưởng và 6 nhân viên. Trong đó: 01 Tiến sĩ, 02 bác sĩ Chuyên khoa 2, 01 Thạc sĩ Quản lí Bệnh viện, 04 Cử nhân Điều dưỡng.
Hoạt động chuyên môn
– Tổ chức các hoạt động của khoa theo quy chế công tác của khoa lâm sàng và quy chế bệnh viện.
– Tổ chức tiếp đón, phân loại, sắp xếp bệnh nhân vào các buồng khám, kết hợp với tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
– Thường trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng đón tiếp, khám, cấp cứu, theo dõi bệnh nhân tại khoa.
– Phối hợp với các chuyên khoa trong bệnh viện tổ chức khám, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân chuyên khoa.
Khoa Điều trị tích cực nội khoa
Khoa Điều trị tích cực được thành lập từ những năm 1970. Ban đầu Khoa chỉ có 10 giường bệnh, khoa phòng chật hẹp, máy móc chưa có, khả năng về chuyên môn còn nhiều hạn chế. Đến nay số giường bệnh tăng lên là 80 giường, chia làm 02 đơn nguyên: Đơn nguyên thở máy: 52 giường và Đơn nguyên thở ô xy: 28 giường; hạ tầng tốt, trang thiết bị máy móc đầy đủ.
Nhân sự khoa
Khoa Điều trị tích cực hiện tại có tổng số 62 viên chức, nhân viên; trong đó: 14 bác sỹ (trong đó có 03 Tiến sỹ, 05 Thạc sỹ); 45 Điều dưỡng viên; 01 kỹ thuật viên máy y tế, 02 Hộ lý.
Hoạt động chuyên môn
- Khám và điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng cần chăm sóc đặc biệt
- Hồi sức hô hấp bằng thở máy thông thường và HFO
- Hồi sức điều trị sốc
- Hồi sức thần kinh
- Hồi sức điều trị các đợt cấp mất bù của nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh
- Lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, TPE, MARS (siêu lọc gan)
- ECMO (tim phổi nhân tạo)
- Áp dụng những tiến bộ mới về hồi sức Nhi khoa
- Chỉ đạo mạng lưới hồi sức Nhi khoa
- Là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ về hồi sức nhi khoa cho các cơ sở y tế khi
- Tham gia xây dựng các phác đồ điều trị về hồi sức nhi khoa cho Bộ Y tế
Bệnh nhi được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực - BV Nhi trung ương
Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền
Được thành lập năm 1972, ban đầu là khoa Nội tiết và là khoa lâm sàng thứ sáu của bệnh viện. Từ năm 1992 có tên là Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền. Từ 2018, Khoa là một bộ phận triển khai các hoạt động của Trung tâm Sàng lọc sơ sinh và Quản lý bệnh hiếm theo quyết định số 20/QĐ-BVNTƯ ngày 03/1/2018 của Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương.
Giường nội trú của khoa ban đầu là 10 giường và đến nay là 45 giường bao gồm cả điều trị trong ngày, từ 1 phòng khám ngoại trú và hẹn bệnh nhân 2 ngày/tuần đến nay là 3 phòng khám và làm việc liên tục các ngày trong tuần. Tổng số nhân viên từ 15 đến 20 bao gồm 1 Giáo sư và 4 Phó Giáo sư.
Hoạt động chuyên môn
- Khám chữa bệnh thuộc các lĩnh vực nội tiết nhi khoa, di truyền lâm sàng trong đó có các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và các bệnh di truyền hiếm gặp khác.
- Điều trị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
- Khởi động và duy trì điều trị biphophonate cho bệnh nhân tạo xương bất toàn, duy trì điều trị hormon tăng trưởng cho các bệnh nhân suy tuyến yên, hội chứng Turner, Prader Willi, nhỏ so với tuổi thai.
- Ứng dụng hệ thống theo dõi đường máu liên tục cho các bệnh nhân cường insulin, tiểu đường sơ sinh và tiểu đường ở trẻ em và vị thành niên.
- Điều trị thuốc uống cho các bệnh nhân tiểu đường sơ sinh.
- Điều trị trước sinh cho tăng sản thượng thận bẩm sinh.
- Ứng dụng các thành tựu tiên tiến của y sinh học trong chẩn đoán và điều trị.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu của các bệnh chuyên khoa trong đó có các bệnh hiếm, giáo dục sức khỏe cộng đồng về các lĩnh vực chuyên khoa, tư vấn chuyên môn cho các nhóm hỗ trợ của bệnh nhân chuyên khoa và gia đình.
Khoa Thận và Lọc máu
Khoa thận và Lọc máu được thành lập và phát triển với tiền thân là khoa máu thận thuộc Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. Khoa có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị các bệnh lý về thận ở trẻ em, đồng thời Khoa cũng là đơn vị đầu ngành thận tiết niệu và lọc máu trẻ em trên cả nước.
Hoạt động chuyên môn
- Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú: gần 2000 bệnh nhân/năm.
- Phối hợp với các khoa ngoại, hồi sức ngoại, phòng mổ tiến hành các ca ghép thận nhi trong đó có cả những trẻ cân nặng thấp.
- Điều trị bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc và thận nhân tạo cho trẻ em bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Điều trị các trường hợp thận nhân tạo cấp và mạn, thẩm phân phúc mạc cấp và mạn.
- Triển khai các kỹ thuật cao về thận tiết niệu như sinh thiết thận dưới siêu âm; nghiên cứu về gen trong các bệnh thận tiết niệu góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh thận tiết niệu.
- Khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo, chỉ đạo tuyến. Phát triển các kỹ thuật mũi nhọn, chức năng đầu ngành thận tiết niệu và lọc máu trẻ em.
Một bệnh nhi được ghép thận thành công tại Khoa Thận và Lọc máu - BV Nhi trung ương
Khoa Tiết niệu
Khoa Tiết niệu Bệnh viện Nhi Trung ương được thành lập chính thức vào năm 2011 do Gs Nguyễn Thanh Liêm là Trưởng khoa. Khoa là nơi khám, điều trị và phẫu thuật các dị tật tiết niệu bao gồm các bệnh lý: thận ứ nước bẩm sinh, giãn niệu quản, bàng quang lộ ngoài, bàng quang thần kinh và ung thư thận, chấn thương sinh dục tiết niệu, dị tật tiết niệu khác...
Nhân sự khoa
Khoa hiện có 20 cán bộ nhân viên, bao gồm:
- Bác sĩ: 08 trong đó (01 Tiến sĩ, 04 Thạc sĩ và 03 Bác sĩ)
- Điều dưỡng: 11 trong đó (01 Thạc sĩ, 07 Đại học, 03 Cao đẳng)
- Hộ lý: 01
Hoạt động chuyên môn
- Khoa là nơi khám, điều trị và phẫu thuật các dị tật tiết niệu bao gồm các bệnh lý: dị tật lỗ tiểu lệch thấp, dị tật lỗ tiểu lệch cao, van niệu đạo sau, thận ứ nước bẩm sinh, giãn niệu quản, trào ngược bàng quang niệu quản, bàng quang lộ ngoài, ổ nhớp lộ ngoài, bàng quang thần kinh và ung thư thận, chấn thương sinh dục tiết niệu, dị tật tiết niệu khác.
- Khoa đã triển khai có hiệu quả một số kỹ thuật cao trong điều trị tiết niệu như: bệnh lý lỗ tiểu lệch thấp; Bệnh lý thận ứ nước; các kỹ thuật mổ mở, mổ nội soi và nội soi Robot.
- Khoa đã triển khai soi niệu đạo bàng quang tiêm thuốc Deflux từ năm 2006 đem lại hiệu quả cao đối với bệnh trào ngược bàng quang niệu quản, ít xâm lấn và bệnh nhân có thể ra viên trong vòng 24 giờ so với 7 ngày nằm viện nếu như bệnh nhân phải mổ mở, là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng kỹ thuật này.
- Phẫu thuật phức tạp sửa toàn bộ cho bệnh nhân bàng quang lộ ngoài, ổ nhớp lộ ngoài bằng kỹ thuật mở xương cánh chậu 2 bên, với kỹ thuật này khoa là nơi duy nhất trong cả nước có thể tiến hành được.
- Phẫu thuật phức tạp khác như tạo hình cổ bàng quang đem lại chất lượng sống cho bệnh nhân.
Với những thành tựu đạt được, khoa luôn là địa chỉ tin cậy của gia đình các bệnh nhân cũng như các đồng nghiệp trong cả nước. Đến nay khoa đã thực hiện gần như tất cả các kỹ thuật chuyên sâu về Tiết niệu nhi khoa từ những dị tật tiết niệu cơ bản đến dị tật tiết niệu phức tạp.
Khoa Răng Hàm Mặt
Từ những ngày đầu thành lập bệnh viện, chuyên khoa Răng Hàm Mặt chỉ là một phòng khám chuyên khoa thuộc khoa Khám bệnh chỉ khám bệnh và điều trị ngoại trú. Tháng 11 năm 2004 Liên khoa Tai mũi họng- Mắt- Răng hàm mặt được thành lập trên nền tảng hợp nhất các Phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng, Mắt, Răng Hàm Mặt.
Chuyên khoa Răng hàm mặt bắt đầu nhận bệnh nhân điều trị nội trú, với trang thiết bị được đầu tư thêm, chuyên khoa Răng hàm mặt đã phẫu thuật điều trị các bệnh về Răng hàm mặt trẻ em như Khe hở môi vòm miệng, các khối u vùng hàm mặt, u máu, u bạch huyết… Từ tháng 1/2016 Khoa RHM chính thức được thành lập thành một đơn vị độc lập, Cơ sở vật chất hiện tại của khoa gồm khu điều trị nội trú với 30 giường bệnh, 01 phòng khám và khu điều trị ngoại trú.
Hoạt động chuyên môn
1. Phẫu thuật hàm mặt
– Phẫu thuật các dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt: Khe hở môi; Khe hở vòm miệng; Các khe chéo mặt, khe hở mép…; Phẫu thuật ghép xương ổ răng cho trẻ khe hở môi vòm miệng; Phẫu thuật dính lưỡi, phanh môi, phanh má…; Phẫu thuật các đường dò bẩm sinh vùng hàm mặt
– Chấn thương vùng hàm mặt: Phẫu thuật gẫy xương hàm kết hợp xương bằng nẹp vít, kết hợp xương bằng chỉ thép; Điều trị gãy xương hàm dưới trẻ em bẳng phương pháp buộc máng cố định; Các chấn thương khuyết hổng lớn vùng hàm mặt; Các vết thương vùng hàm mặt
– Bất thường mạch máu, u nang vùng đầu mặt cổ: U mạch máu; Di dạng mạch máu; U bạch huyết; Nang nhầy môi, sàn miệng; Phẫu thuật răng ngầm trong xương hàm; Phẫu thuật khối u lành tính thuộc xương hàm: u xương, u men xương hàm, u răng, nang khe mang, các đường rò bẩm sinh vùng đầu mặt cổ…
– Các phẫu thuật khác vùng hàm mặt: Phẫu thuật trong chỉnh nha; Các khối u vùng hàm mặt; Phẫu thuật chỉnh hình mũi, phẫu thuật sửa sẹo vùng hàm mặt
– Các bệnh lý, viêm nhiễm vùng hàm mặt: Viêm nhiễm vùng hàm mặt; Áp xe lớn, ápxe xơ hóa; Phẫu thuật cắt đường dò viêm mạn tính vùng hàm mặt
2. Nắn chỉnh răng
– Chỉnh hình trước phẫu thuật cho trẻ khe hở môi vòm miệng
– Nắn chỉnh răng lệch lạc bằng khí cụ cố định , tháo lắp
– Nắn chỉnh răng và chỉnh hình xương cho trẻ khe hở môi vòm miệng kết hợp với phẫu thuật
3. Điều trị răng trẻ em
– Hàn răng
– Điều trị tủy răng trẻ em
– Nhổ răng
– Viêm nhiễm răng miệng trẻ em
– Điều trị răng dưới gây mê với một số trường hợp đặc biệt: bệnh nhân sâu nhiều răng không hợp tác điều trị, bệnh nhân tự kỷ…
4. Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ
– Luyện phát âm cho trẻ sau phẫu thuật khe hở môi vòm miệng, sau phẫu thuật ngắn phanh lưỡi (Phối hợp với trung tâm thính học và trị liệu ngôn ngữ)
– Khám sàng lọc phát hiện chậm nói
Khoa Mắt
Từ năm 2004 chuyên khoa Mắt là một đơn vị trong Liên khoa Tai mũi họng - Mắt - Răng hàm mặt, trong suốt quá trình là một đơn vị trong Liên khoa thì chuyên môn hoạt động độc lập trong việc khám và chữa bệnh chuyên khoa Mắt trẻ em. Khoa Mắt được thành lập theo Quyết định số: 2156/QĐ-BVNTW, ngày 06/10/2016 của Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương với nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, đào tạo, nghiên cứu Khoa học, hợp tác quốc tế chuyên ngành Mắt trẻ em.
Chức năng, nhiệm vụ
– Khám chữa bệnh chuyên khoa Mắt thông thường ở trẻ em
– Khám tư vấn cấp kính các bệnh nhân có tật khúc xạ ở trẻ em
– Điều trị nội trú các bệnh Nội khoa ở Mắt trẻ em
– Phẫu thuật, thủ thuật các bệnh Mắt trẻ em
– Hội chẩn, phối hợp điều trị bệnh nhân có bệnh Mắt liên quan đến bệnh toàn thân ở các khoa phòng trong bệnh viện
– Tuyên truyền vận động, tư vấn điều trị và chăm sóc các bệnh về Mắt ở trẻ em
– Tham gia chỉ đạo tuyến và đào tạo cho tuyến dưới các lĩnh vực có thế mạnh
Cơ sở vật chất
Khoa hiện có một phòng khám (PK 20) vừa là phòng khám bệnh thông thường vừa làm thủ thuật Ngoại trú, một phòng khám Khúc xạ chuyên khám khúc xạ, tư vấn cấp kính. Khoa điều trị nội trú: chung sàn tầng 5 tòa nhà B với khoa TMH, Khoa RHM.
Khoa Phục hồi chức năng
Khoa Phục hồi chức năng là khoa lâm sàng thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, thực hiện chức năng: Tham mưu và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về tổ chức hoạt động tiếp nhận khám, đánh giá, chẩn đoán, can thiệp phục hồi chức năng toàn diện cho người bệnh.
Hoạt động chuyên môn
- Tiếp đón, tổ chức khám và can thiệp phục hồi chức năng cho người bệnh.
- Khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng theo các hình thức nội trú, ngoại trú và phục hồi chức năng ban ngày (Với các can thiệp vận động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu và điện trị liệu….)
- Tổ chức sản xuất, cung cấp và hướng dẫn sử dụng dụng cụ trợ giúp cho người bệnh.
- Phối hợp cùng các khoa lâm sàng khác trong bệnh viện thực hiện chăm sóc và can thiệp phục hồi chức năng cho người bệnh; đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình tập luyện và phục hồi.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, tư vấn cho người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp; hướng dẫn người bệnh phòng bệnh, phát hiện sớm, phối hợp điều trị phục hồi chức năng và tự tập luyện.
- Tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, tham gia hội chẩn ngoài viện.
Nhân sự khoa
Tổng số cán bộ nhân viên: 27 cán bộ (07 BS, 15 KTV, 02 Điều dưỡng, 01 Kế toán viên, 01 Giáo viên mầm non). Trong đó:
- Trưởng khoa: TS.BS.CKII Trịnh Quang Dũng
- Phó trưởng khoa: TS. BS Nguyễn Thị Hương Giang
- Kỹ thuật viên trưởng: TS Y tế công cộng. Nguyễn Hữu Chút
Khoa Chỉnh hình nhi
Khoa Chỉnh hình nhi được thành lập ngày 10/10/2004, được tách từ Khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chức năng, nhiệm vụ
- Tiếp đón, tổ chức khám và điều trị các bệnh lý ngoại khoa về chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình.
- Theo dõi, điều trị cho người bệnh cần thực hiện phẫu thuật chỉnh hình, chăm sóc cho các bệnh nhân sau mổ ổn định trả về các khoa lâm sàng.
- Thực hiện mổ cấp cứu, mổ theo kế hoạch cho các bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người bệnh đang điều trị tại khoa và hướng dẫn người bệnh phòng bệnh, chữa bệnh thông thường và tự chăm sóc sức khỏe tại nhà.
- Tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế theo phân công của Giám đốc.
- Tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, tham gia hội chẩn ngoài viện.
- Thực hiện ghi chép, lưu trữ sổ sách, hồ sơ bệnh nhân và thống kê, báo cáo theo quy định của bệnh viện và Bộ Y tế.
- Tham gia phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa.
Đội ngũ y bác sĩ
Hiện tại cơ cấu của phòng bao gồm: 01 trưởng khoa, 01 phó trưởng khoa, 10 điều dưỡng, 01 kỹ thuật viên bột, 01 hộ lý với trình độ chuyên môn cao gồm: 01 tiến sĩ, 01 bác sĩ CK II, 02 thạc sỹ bác sĩ, 01 bác sĩ hợp đồng, 01 điều dưỡng CKI (điều dưỡng trưởng khoa), 07 cử nhân điều dưỡng, 02 điều dưỡng trung học.
Khoa Sọ mặt và Tạo hình
Tháng 6 năm 2012, Bệnh viện Nhi trung ương thành lập khoa Tạo Hình và Sọ Mặt. Từ 01/01/2016 từ khoa Tạo Hình và Tạo Hình cũ tách thành 2 khoa Sọ Mặt Và Tạo Hình và khoa Răng Hàm mặt.
Chức năng, nhiệm vụ
- Khám bệnh chuyên khoa Sọ mặt tạo hình và u máu tại phòng khám 26B.
- Điều trị kéo dãn xương hàm dưới/ Pierre Robine
- Phẫu thuật tạo hình hộp sọ, tạo hình 2 góc mắt xa nhau
- Phẫu thuật u sắc tố khổng lồ
- Phẫu thuật tạo hình điều trị nói ngọng do thiểu sản vòm hầu
- Phẫu thuật khuyết xương hàm trên bằng ghép xương tự thân
- Ghép mỡ tự thân điều trị lép mặt
- Điều trị nội trú bệnh nhân sau phẫu thuật và không phẫu thuật
- Tích cực tổ chức đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao trình độ cán bộ nhân viên mới.
Cơ cấu tổ chức
Tổng số có 09 cán bộ: Số lượng bác sĩ : 04 (3 Ths Bác sĩ , 1 Bác sĩ chuyên khoa I), điều dưỡng 04 (1 Ths Điều dưỡng, 1 cử nhân điều dưỡng, 1 điều dưỡng cao đẳng, 1 ĐD trung cấp)
Khoa có 1 phòng khám 26 B và 20 giường bệnh điều trị nội trú
Tham gia trực cấp cứu 24/24, đảm bảo công tác theo chỉ đạo của Bệnh viện.
Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh
Khoa Sơ Sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương thành lập từ năm 1969 với tên gọi Phòng Sơ sinh – thuộc Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em tại tầng 2 tòa nhà hai tầng của Bệnh viện Bạch Mai do BS Hà Thị Tư, là trưởng khoa. Năm 1981 Khoa Sơ sinh đã được chuyển lên cơ sở mới với tên gọi là Khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thụy Điển, công trình Bệnh viện hiện đại đầu tiên do chính phủ và nhân dân Thụy điển trao tặng cho trẻ em Việt Nam. Từ đó đến nay, nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng trong điều trị như thở HFO, NO, surfactant, lọc máu liên tục, hạ thân nhiệt bảo vệ não … điều trị đã cứu sống được nhiều bệnh nhân đẻ non, tăng áp phổi, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, ngạt nặng góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh một cách đáng kể
Chức năng, nhiệm vụ
- Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh bệnh lý, cũng như khám và tư vấn cho trẻ sơ sinh.
- Khám chữa bệnh cho các bệnh nhân ở lứa tuổi sơ sinh từ các tuyến chuyển về
- Điều trị bệnh nhân nặng mắc bệnh: Suy hô hấp do màng trong ở trẻ đẻ non, các bệnh nhân thở máy, nhiễm trùng máu, viêm ruột hoại tử …
- Điều trị hội chứng màng trong ở trẻ sinh non bằng bơm surfactant, điều trị tăng áp phổi bằng thuốc, bằng khí NO, đặt longline nuôi dưỡng TM, đo HA xâm nhập,
- Lọc máu cho bệnh nhân rối loạn chuyển hóa, suy thận nặng…
Khoa Tâm thần
Sự ra đời của Khoa Tâm thần kinh, gắn liền với sự phát triển của cơ sở mới của Viện Nhi do Chính phủ Thụy điển giúp đỡ. Trong những năm đầu của thập kỷ 80, Tâm thần học trẻ em và vị thành niên là một chuyên ngành hoàn toàn mới đối với Việt nam. Nhưng ngay từ đầu, Ban giám đốc Viện Nhi đã nhận thấy tầm quan trọng của chuyên ngành này và hết sức tạo điều kiện để phát triển chuyên ngành.
Năm 1993, sau hơn 10 năm hoạt động, do nhu cầu phát triển chuyên ngành, cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em toàn diện, cùng với sự trưởng thành của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, BGĐ quyết định thành lập khoa Tâm thần trên cơ sở Khoa Tâm thần kinh – Bệnh viện Nhi Việt nam – Thụy điển (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương).
Nhiệm vụ, chức năng
- Nhiệm vụ chính của Khoa Tâm thần là khám, đánh giá, làm trắc nghiệm tâm lý, chẩn đoán, điều trị dược lý, trị liệu tâm lý các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em. Trong những năm gần đây, các rối loạn phát triển là các mặt bệnh thường gặp nhất, bao gồm: rối loạn tự kỷ; chậm phát triển trí tuệ; rối loạn tăng động giảm chú ý.
- Ngoài ra Khoa Tâm thần còn đảm nhiệm việc thực hiện chăm sóc tâm lý trẻ nằm viện, hội chẩn liên khoa, hội chẩn liên ngành, giám định y khoa, cấp giấy xác nhận tình trạng bệnh tật. Tham gia tư vấn tâm lý cho các ca ghép tạng của bệnh viện.
- Triển khai áp dụng phương pháp chẩn đoán, trị liệu sớm cho trẻ tự kỷ: phương pháp PECS, test DBC-P, Điều hòa cảm giác. Nhiều test tâm lý đã được cán bộ trong khoa dịch và chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện Việt nam và đã được nhiều cơ sở y tế trong nước học tập và áp dụng: M-CHAT, CARS, Vanderbilt, PEP III, DSM-5…
Khoa Giải Phẫu Bệnh
Khoa Giải Phẫu Bệnh nằm trong cơ cấu tổ chức của bệnh viện, là một trong số 12 khoa của khối Cận Lâm Sàng. Khoa được thành lập căn cứ vào Quyết định thành lập Bệnh viện Nhi trung ương (trước đây là Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em) của Thủ tướng chính phủ số 111/CP ngày 14/7/1969
Chức năng, nhiệm vụ
- Xét nghiệm chẩn đoán mô bệnh học mẫu bệnh sau phẫu thuật, mẫu sinh thiết mở hoặc sinh thiết kim
- Xét nghiệm chẩn đoán tế bào học qua chọc hút kim nhỏ các khối u, hạch, các tổn thương nông hoặc sâu trên da, xương, một số hốc tự nhiên, dịch các màng…
- Xét nghiệm GPB đại thể (autopsy, necropsy) một số trường hợp đặc biệt. Hỗ trợ gia đình người bệnh tử vong hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy chế.
- Hỗ trợ chỉ đạo tuyến, công tác 1816, tư vấn, hội chẩn chuyên môn. Đào tạo tại chỗ, đào tạo liên tục cán bộ nhân viên trong khoa, đào tạo bác sĩ Giải phẫu bệnh Nhi và kỹ thuật viên các tuyến ngắn hạn hoặc dài hạn.
- Nghiên cứu, hợp tác quốc tế: tham gia NCKH, các chương trình hợp tác trong nước, quốc tế.
Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhi Trung ương ngày nay được thành lập cùng ngày thành lập Bệnh viện: ngày 14 tháng 7 năm 1969. Là một trong các khoa trọng tâm của khối cận lâm sàng nói riêng và của Bệnh viện Nhi nói chung. Từ khi thành lập được biết đến với tên khoa X-quang, sau nhiều năm hoạt động và đầu tư phát triển các công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại, nhân lực đủ mạnh khi đó đổi tên gọi là khoa Chẩn đoán hình ảnh theo quyết định của Bộ Y tế.
Hoạt động chuyên môn
Các kỹ thuật cao và mới đã thực hiện
+ Chụp nút mạch tại chỗ (ngoại biên)
+ Chụp mạch chẩn đoán / mạch não
+ Chụp mạch chẩn đoán /các mạch tạng
+ Chụp MRI các bộ phận
+ Chụp MSCT 128 và 256 dãy
+ Chụp xạ hình Spect.
Cơ sở vật chất
Khoa CĐHA hiện nay được trang bị 6 máy X-quang thường qui kỹ thuật số; 02 máy tăng sáng truyền hình KTS; 02 hệ thống chụp cộng hưởng từ 0.35 và 1.5 tesla; 03 hệ thống chụp CLVT đang hoạt động (02 slice; hệ thống CT 128 slice và hệ thống CT 256 slice)
Khoa Huyết học
Khoa Huyết học được tách ra từ khoa xét nghiệm chung của Bệnh viện Bạch Mai. Từ năm 1981, khoa chuyển về địa điểm hiện tại cùng Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ một khoa xét nghiệm ban đầu trang thiết bị còn sơ sài, đến nay khoa đã được trang bị rất nhiều máy móc hiện đại cùng đội ngũ nhân viên có chất lượng chuyên môn cao không những đảm bảo các xét nghiệm huyết học thường quy mà còn phát triển nhiều kỹ thuật cao phục vụ kịp thời cho chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh.
Nhiệm vụ chức năng
1. Thực hiện các xét nghiệm Huyết học
– Thực hiện các xét nghiệm huyết học thường quy như các xét nghiệm Công thức máu, Đông máu cơ bản, ngưng tập tiểu cầu, máu lắng, sức bền thẩm thấu hồng cầu, các xét nghiệm tế bào nước dịch, nước tiểu, hình dáng hồng cầu niệu, huyết sắc tố niệu…
– Thực hiện các xét nghiệm huyết học chuyên sâu như huyết đồ, tủy đồ, các yếu tố đông máu, tìm kháng đông đường nội sinh, ngoại sinh, định lượng anti-thrombin III, protein C, protein S, ngưng tập tiểu cầu, điện di huyết sắc tố…
– Thực hiện các thủ thuật như chọc hút tủy xương, sinh thiết tủy xương, chọc lách…
2. Thực hiện các xét nghiệm Miễn dịch
– Thực hiện các xét nghiệm miễn dịch như đếm tế bào T,B,NK, xét nghiệm CD4, xét nghiệm HLA-B27, phân loại miễn dịch bệnh bạch cầu cấp bằng Flowcytometry.
– Thực hiện các xét nghiệm miễn dịch ghép phục vụ ghép tế bào gốc và ghép tạng như định typ HLA, định danh kháng thể kháng HLA, Lympho-crossmatch, đếm tế bào gốc tạo máu CD34…
3. Ngân hàng Tế bào gốc máu cuống rốn
– Thực hiện thu thập, lưu trữ các mẫu máu cuống rốn theo yêu cầu khách hàng.
– Tham gia thu hoạch và xử lý tế bào gốc phục vụ các ca ghép của Bệnh viện. Đặc biệt là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện xử lý tế bào gốc tạo máu cho ghép nửa thuận hợp.
4. Nghiên cứu khoa học
– Chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học như các đề tài cơ sở, đề tài cấp Bộ, đề tài cấp Nhà nước của Bệnh viện, các đề tài nghiên cứu hợp tác với nước ngoài…
– Đăng tải các bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, tham gia các hội thảo hội nghị chuyên ngành trong và ngoài nước.
5. Đào tạo
– Duy trì công tác đào tạo liên tục cho nhân viên, đào tạo nhân viên mới…
– Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật huyết học, miễn dịch cho đối tượng ngoại viện có nhu cầu.
– Tham gia công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tham gia đề án 1816…
Khoa Vi sinh
Năm 1969, khoa được thành lập, thuộc cơ cấu tổ chức của Viện bảo vệ sức khỏe trẻ em. Tháng 10 năm 2004 thành lập thêm Tổ sinh học phân tử. Tháng 6 năm 2012 khoa Vi sinh tách thành 2 khoa: Khoa Vi sinh và Khoa sinh học phân tử nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm.
Nhân sự khoa
- Hiện khoa có 01 Trưởng khoa và 26 nhân viên
- Trình độ chuyên môn: 03 Tiến sĩ – Bác sỹ, 01 Tiến sỹ (công nghệ sinh học), 01 Thạc sỹ , 01 bác sỹ, 14 Cử nhân, 6 kỹ thuật viên và 1 hộ lý.
Chức năng, nhiệm vụ
- Xác định các tác nhân gây bệnh trong các bệnh phẩm lâm sàng
- Xác định mức độ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, nấm.
- Tham gia vào các chương trình kiểm soát bệnh tật quốc gia:
+ Chương trình Giám sát Viêm não màng não
+ Chương trình giám sát Rubella
+ Chương trình giám sát kháng kháng sinh - Chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến: Thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện Nhi và Sản Nhi như Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai….
- Giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:
+ Giảng dạy cho các đối tượng học viên trong nước và ngoài nước (Thụy Điển, Đan mạch, Bỉ…)
+ Nghiên cứu khoa học: Nhiều bài báo công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, một số bài điển hình:
Khoa Truyền máu
Thành lập trước năm 1980 là khoa Xét nghiệm Huyết học Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em. Từ 1981 chuyển về Viện Nhi Việt Nam – Thuỵ Điển và tách ra từ khoa Huyết Học có tên khoa Truyền Máu cho đến nay theo Quyết định số: 1927//QĐ-BVNTW, ngày 28/11/2014 của Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương.
Chức năng, nhiệm vụ
- Là khoa truyền máu thuộc bệnh viện chuyên khoa.
- Cung cấp máu theo chỉ định của bác sĩ lâm sàng từ nguồn máu của Viện Huyết học truyền máu và máu tự thu gom tại BV Nhi TƯ
- Thu gom máu tại bệnh viện và máu nhân đạo ngoại viện, bảo quản, sàng lọc đơn vị máu theo đúng Thông tư 26, sản xuất một số chế phẩm máu, chia nhỏ đơn vị máu….. theo nhu cầu bệnh nhi.
- Tách các thành phần máu từ một người cho trên máy: tách tiểu cầu, tế bào gốc
- Chuẩn bị chế phẩm cho thay máu ở trẻ sơ sinh, ho gà.
- Cấp phát máu phục vụ cho việc phát triển các kỹ thuật cao như ghép tạng, ghép tế bào gốc, mổ tim…..
- Thực hiện các xét nghiệm cho bệnh nhân: phản ứng hòa hợp miễn dịch, xét nghiệm sàng lọc HIV, xác định nhóm máu, tìm kháng thể bất thường, hiệu giá kháng thể, Coombs
- Các hoạt động khác: Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Phối hợp với các Trung tâm Đào tạo liên tục và Chỉ đạo tuyến của bệnh viện xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn về hoạt động truyền máu
Khoa Di truyền và Sinh học Phân tử
Phòng Xét nghiệm di truyền tế bào và phân tử được thành lập vào ngày 28/03/2005 theo QĐ số 149/QĐ-TCCB của Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, là đơn vị trực thuộc khoa Nội tiết với nhiệm vụ thực hiện các xét nghiệm di truyền cho bệnh nhân. Đến ngày 31/12/2007, Khoa Di truyền và Sinh học Phân tử được thành lập theo QĐ số 617/QĐ-TCCB của Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (trên cơ sở tách phòng Xét nghiệm di truyền tế bào và phân tử thuộc khoa Nội tiết – chuyển hóa di truyền) với 5 thành viên do BS Ngô Diễm Ngọc làm phụ trách.
Nhiệm vụ chính của khoa là thực hiện các xét nghiệm di truyền cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng như tiến hành đề tài nghiên cứu các cấp, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di truyền.
Chức năng, nhiệm vụ
+ Thực hiện các xét nghiệm di truyền tế bào và di truyền phân tử để chẩn đoán trước sinh và chẩn đoán sau sinh một số bệnh lý di truyền.
+ Nghiên cứu khoa học và đào tạo.
+ Khoa có ba mảng hoạt động chính: Di truyền tế bào, Di truyền phân tử và Di truyền ung thư.
Khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm
Phòng Sinh học phân tử được thành lập từ tháng 10 năm 2004 trực thuộc khoa Vi sinh- Bệnh viện Nhi trung ương. Thành lập Tổ Sinh học phân tử trực thuộc khoa Vi sinh theo quyết định số 736/QĐ-TCCB ngày 20/12/2005 của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngày 1 tháng 6 năm 2012, Khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm được thành lập theo quyết định số 635/QĐ-TCCB của bệnh viện Nhi Trung ương ngày 7/5/2012. Khoa có đầy đủ các trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật sinh học phân tử. Hệ thống phòng cách ly đảm bảo an toàn sinh học cấp II
Chức năng, nhiệm vụ
- Triển khai các kỹ thuật sinh học phân tử trong xét nghiệm chẩn đoán các căn nguyên vi sinh vật như vi rút, vi khuẩn, nấm… gây bệnh trên người đặc biệt là ở trẻ em.
- Tham gia công tác phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm và cập nhật các thông tin về các căn nguyên vi sinh vật gây bệnh góp phần trong việc phòng tránh các dịch bệnh gây ra trong cộng đồng.
- Nghiên cứu Khoa học trong lĩnh vực về các yếu tố dịch tễ bệnh truyền nhiễm đồng thời nghiên cứu sâu hơn dưới mức độ cơ chế sinh học hệ genome của các vi sinh vật nhằm tìm ra cơ chế hoạt động và ức chế thuốc kháng sinh và thuốc kháng virut.
- Đơn vị đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ thuộc các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện khác tới học về chuyên môn.
- Hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các trường đại học trong nước và Quốc tế như: Nhật Bản, Thụy Điển, Úc, Anh…
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn
Khoa được thành lập ban đầu năm 1997, với tên là “Khoa Chống Nhiễm Khuẩn” với các chức năng nhiệm vụ chính bao gồm: Giám sát nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện, khử khuẩn – tiện khuẩn và cung cấp dụng cụ khử khuẩn, tiệt khuẩn cho toàn bệnh viện; xử lý môi trường trong bệnh viện và quản lý nhà giặt.
Năm 2009, khoa được đổi tên thành “Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn” theo hướng dẫn tại Thông tư 18/2009/TT-BYT với các chức năng nhiệm vụ chủ yếu gồm: Giám sát, phòng ngừa nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện; giám sát phòng ngừa dịch bệnh tại bệnh viện; Giám sát và đảm bảo chấp hành pháp luật về môi trường trong bệnh viện; giám sát an toàn thực phẩm trong bệnh viện; Khử khuẩn – tiệt khuẩn; Quản lý chất thải và đảm bảo vệ sinh bệnh viện.
Chức năng
– Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là một đơn vị chuyên môn chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Giám đốc bệnh viện, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về hoạt động chuyên môn phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát dịch bệnh trong toàn bệnh viện.
– Tổ chức, quản lý và điều phối các hoạt động chuyên môn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát dịch bệnh trong bệnh viện
– Chỉ đạo tuyến, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát dịch
Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương
Tương tự như nhiều cơ sở y tế khác, khi thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bậc cha mẹ có thể lựa chọn bác sĩ với các trình độ khác nhau để thăm khám cho con em mình. Cụ thể, chi phí thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương như sau:
- Khám với bác sĩ đã khoa có hẹn trước: 390.000VNĐ.
- Khám với bác sĩ đa khoa nhưng không hẹn trước: 580.000 VNĐ.
- Khám với bác sĩ chuyên khoa có hẹn trước: 580.000 VNĐ.
- Khám với bác sĩ chuyên khoa không hẹn trước: 680.000 VNĐ.
- Tái khám với bác sĩ chuyên khoa: 390.000 VNĐ.
- Tái khám với bác sĩ đa khoa: 290.000 VNĐ.
- Hội chẩn chuyên khoa: 680.000 VNĐ.
- Cấp cứu: 580.000 VNĐ.
Lưu ý: Chi phí trên chỉ mang tính tham khảo, để có thông tin chính xác hơn, người bệnh hãy liên hệ tới bệnh viện để được giải đáp chi tiết hơn.
Hệ thống Bệnh viện Nhi trung ương
Tìm chi nhánh bệnh viện
Hướng dẫn khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương và những điều cần lưu ý
Quy trình đi khám tự nguyện B, C - Bệnh viện Nhi Trung ương:
Bước 1: Đến khoa Khám bệnh.
- Mua Sổ theo dõi sức khỏe trẻ em tại quầy tiếp đón.
- Điền các thông tin của người bệnh vào Sổ theo dõi sức khỏe trẻ em.
Bước 2: Đăng ký khám bệnh: Đến phòng 2 đưa Sổ cho nhân viên y tế để lấy phiếu khám.
Bước 3: Đến phòng khám bệnh.
- Người bệnh đến phòng khám theo số trên phiếu khám (nhìn biển, sơ đồ hướng dẫn số phòng khám).
- Người bệnh ngồi chờ khám theo số thứ tự được in trên phiếu khám (số chạy trên bảng điện tử).
Sau khi bác sĩ khám bệnh, điều dưỡng hướng dẫn người nhà các bước tiếp theo (đi làm xét nghiệm hoặc chuyển khám khác…).
Bước 4: Người bệnh có chỉ định xét nghiệm:
- Làm thủ tục tại phòng 2.
- Người bệnh làm xét nghiệm theo hướng dẫn và lấy kết quả xét nghiệm theo giấy hẹn.
Bước 5: Người bệnh quay lại phòng khám ban đầu để bác sĩ đọc kết quả và kê đơn.
Một số lưu ý dành cho phụ huynh khi đưa con đi khám tại bệnh viện Nhi trung ương để không mất nhiều thời gian chờ đợi:
- Bệnh viện Nhi Trung ương hiện tại đã tăng thời gian khám bệnh buổi sáng sớm hơn 1 tiếng, so với trước đây. Tức là, 7h sáng bệnh viện đã bắt đầu khám bệnh. Nếu gia đình nào định đưa con em đi khám bệnh buổi sáng, thì nên đi sớm trước 7h sáng để lấy số.
- Thông thường ở Bệnh viện Nhi Trung ương, vào khoảng thời gian từ 14h30 - 17h, lượng bệnh nhân cũng vắng hơn hẳn. Vì thế, nếu tình trạng của bé không khẩn cấp mẹ có thể cho con đi taxi và khám bệnh vào buổi chiều.
- Ngoài ra, mỗi gia đình bệnh nhi chỉ nên có 1 và nhiều nhất 2 người nhà đi cùng bé để tránh hiện tượng ùn tắc, ngột ngạt vì quá đông người vào đầu mỗi buổi khám bệnh.
Câu hỏi thường gặp khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương
Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận trẻ bao nhiêu tuổi?
Bệnh viện chỉ nhận bệnh nhân dưới 15 tuổi. Nếu bệnh nhân trên 15 tuổi sẽ chuyển sang các bệnh viện phù hợp.
Bệnh viện Nhi trung ương có khám chủ nhật không?
Bệnh viện Nhi trung ương không khám bệnh vào chủ nhật. Bệnh viện khám vào giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6.
- Sáng: Từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ 00 phút
- Chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút
Riêng thứ 7 bệnh viện vẫn làm việc, nhưng các dịch vụ không đầy đủ như ngày thường.
Đăng Ký Tư Vấn Bảo Hiểm
Viết bình luận
Nội quy : nhận xét có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu. Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần bị baned nick.
Bênh Viện Tương Tự
Bệnh Viện Đa Khoa Medlatec
Số 99 Trích Sài, Tây Hồ, Hà NộiBệnh viện Đa khoa Bảo Sơn
52 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà NộiBệnh viện Xây Dựng
Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà NộiBệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an
Số 278 Lương Thế Vinh, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà NộiBệnh viện Tuệ Tĩnh
Số 2, Trần Phú, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP. Hà NộiBệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
Km13+500 Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà NộiBệnh viện Nội tiết Trung ương
Xã Tứ Hiệp, H. Thanh Trì, Tp. Hà NộiBệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc
Số 55 Yên Ninh, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà NộiBệnh viện Da liễu Trung ương
15A - Phương Mai - Quận Đống Đa - Hà NộiBệnh viện Da liễu Hà Nội
Số 79B Nguyễn Khuyến – Văn Miếu – Đống Đa – Hà Nội.
Có 0 bình luận